Trước khi trẻ 6 tuổi, những bậc phụ huynh xem trọng giáo dục con cái có thể dạy vỡ lòng cho con để giúp ích tương lai con sau này.
Giáo dục sớm không phải trau dồi tri thức, cho con học trước nội dung tiểu học mà là cho con cơ hội để phát triển năng lực của bản thân.
Khi giáo dục sớm cho con trẻ, phụ huynh nên chú ý 3 điều dưới đây.
1. Giữ gìn sự tò mò của trẻ
Trẻ con thường nghĩ ra rất nhiều câu hỏi, ví dụ tại sao trời lại tối, tại sao gạo màu trắng, tại sao mẹ phải đi làm, tại sao con phải đi nhà trẻ.
Khi đối mặt với đứa trẻ hiếu kỳ như vậy, bố mẹ tốt nhất nên dùng các trò chơi bao quanh vấn đề con hứng thú để thông qua thực hành, con có thể tự mình tìm ra đáp án. Bố mẹ cũng có thể dẫn con cùng đi hỏi “chuyên gia” để con học cách tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác, sau khi bản thân suy đi nghĩ lại vẫn không tìm thấy câu trả lời.
Phụ huynh cần điều chỉnh tốt cảm xúc và tâm thái của mình khi con trẻ bày tỏ sự tò mò. Nếu phụ huynh thấy con hỏi nhiều quá, trách con phiền phức thì đứa trẻ sẽ không dám hỏi nữa, sợ làm bố mẹ tức giận. Từ đó, con không còn tò mò, cũng không chịu suy nghĩ sâu sắc, kỹ càng. Chỉ khi giữ được sự hiếu kỳ, con mới cảm nhận được niềm vui mà kiến thức mang lại.
2. Hướng dẫn con cách kết bạn
Ra khỏi mái nhà, con trẻ rất thích kết bạn, đặc biệt là những đứa trẻ gần nhà nhau hoặc học chung lớp mẫu giáo. Con sẽ kết bạn với nhiều loại người và gặp nhiều vấn đề rắc rối.
Nhiều vấn đề sẽ phát sinh khi con chơi cùng các bạn. Ví dụ: Con không bằng lòng cho bạn chơi đồ chơi của mình, không muốn bạn động vào đồ mình thích nhất, lúc chơi đùa bị bạn khác bắt nạt.
Phụ huynh cần hướng dẫn con đặt bản thân vào vị trí của đối phương để suy xét xem giải quyết như nào là tốt nhất.
Các bậc phụ huynh nên dạy con trẻ biết tôn trọng mọi người, biết đoàn kết, biết trao đổi đồ chơi với bạn bè, biết chia đồ ăn cho các bạn. Như vậy, con trẻ mới biết nghĩ cho mọi người, nhờ đó mà có những người bạn đích thực.
3. Phát triển sở thích của con
Nếu nhẫn nại quan sát biểu hiện của con trẻ, bố mẹ sẽ phát hiện ra sở thích, đam mê của con và tìm phương pháp phát triển sở thích đó. Ví dụ: Bố mẹ có thể tìm thầy giáo cho con học hội họa nếu con thích vẽ mọi lúc mọi nơi; có thể cho con tham gia lớp học nhạc nếu con có khả năng cảm thụ âm nhạc tốt.
Bố mẹ nên sắp xếp lớp năng khiếu theo sở thích của con, không nên đăng ký cho con một cách mù quáng.
Lớp năng khiếu nên có một lớp về thể chất và một lớp về các phương diện khác. Điều bố mẹ cần làm là nhìn nhận sự tiến bộ của con và cổ vũ, động viên con kiên trì học tập.
Nếu con không thích học nữa, bố mẹ hãy để con nói ra lý do cụ thể. Nếu con không hợp với cách dạy của giáo viên, bố mẹ có thể chuyển lớp khác cho con. Phụ huynh đừng vội vàng muốn thấy con giành được giải thưởng mà nên để ý con đã tiến bộ ở phương diện nào và khen ngợi con.
Nếu con có thể học sâu một đến hai thế mạnh, tương lai nhất định không nghèo khó.
Khi giáo dục sớm cho con, ngoài coi trọng việc kết bạn, sở thích, giữ gìn sự tò mò, bố mẹ nên hướng dẫn con biểu đạt tình cảm một cách thích hợp và bồi dưỡng thói quen đọc sách cho con. Những điều này đều quan trọng hơn việc học kiến thức trước.