Ngày xưa có một bà có ba cô con gái kỳ lạ. Cô con lớn tên là Một Mắt, vì cô chỉ có độc một mắt ở ngay chính giữa trán. Cô thứ hai có hai mắt như những người bình thường khác nên được gọi là cô Hai Mắt. Cô con út có tên là Ba Mắt, vì cô có hai mắt như mọi người khác, nhưng lại có mắt thứ ba ở giữa trán.
Chỉ vì không giống chị và cũng không giống em nên cô Hai Mắt bị chị và em cũng như mẹ kỳ thị và ruồng bỏ. Họ bảo cô:
– Có hai mắt thì cũng như người bình thường, có gì là hơn người thường đâu, nó chẳng phải là giống nhà ta.
Gặp cô đâu thì cả nhà xua đấy. Mặc thì toàn đồ thừa xấu xí, ăn thì ăn toàn thức ăn còn thừa lại, thôi thì tìm mọi cách để hành hạ cô.
Có lần cô Hai Mắt phải ra đồng chăn dê nhưng bụng còn đói vì chị và em để phần cho ăn ít quá. Ra tới đồng, cô ngồi trên bờ ruộng và khóc nức nở, nước mắt chảy ràn rụa như hai dòng suối nhỏ.
Lúc cô vừa mới ngẩng mặt nhìn lên thì thấy một bà già đang đứng bên cất tiếng hỏi:
– Hai Mắt, vì sao con khóc?
Hai Mắt thưa:
– Con không khóc sao được. Chỉ vì con có hai mắt như những người bình thường khác nên mẹ, chị và em lúc nào cũng thấy khó chịu, xua con từ xó này sang xó khác, quẳng toàn đồ cũ nát cho con mặc, ăn thì ăn toàn những đồ thừa còn lại. Sáng nay cho con ăn có chút xíu, bụng con còn đói meo.
Bà già nói:
– Hai Mắt, con lau nước mắt đi. Bà sẽ nói cho con điều này để con không bị đói nữa. Con chỉ cần bảo con dê cái của con:
Be lên dê ơi,
Bày lên bàn ơi.
Thì lập tức hiện ra trước mắt con một chiếc bàn xinh xắn, bày đủ mọi thứ sơn hào hải vị, con muốn ăn bao nhiêu cũng được. Và khi con đã ăn no, cần dọn hết đi, con chỉ việc nói:
Be lên dê ơi,
Biến đi bàn ơi.
Và chỉ trong nháy mắt bàn biến đi. Sau đó bà mụ đi. Hai Mắt nghĩ mình phải thử xem lời bà dặn có đúng không. Nhất là lại đúng lúc mình đang đói. Cô nói:
Be lên dê ơi,
Bày lên bàn ơi.
Vừa mới nói dứt lời đã có một chiếc bàn xinh xắn phủ khăn trắng tinh hiện ra. Trên bàn có rất nhiều thức ăn ngon, hơi bay lên nghi ngút, người ta có cảm giác thức ăn vừa mới bưng ở bếp lên. Trên bàn lại có sẵn cả đĩa, dao, dĩa và thìa bằng bạc. Hai Mắt thầm cảm ơn bà già và ngồi vào bàn ăn uống ngon lành.
No nê rồi, cô lại nói đúng như lời bà cụ dặn:
Be lên dê ơi,
Biến đi bàn ơi.
Chiếc bàn xinh xắn cùng tất cả các thứ bày trên bàn đều biến đi ngay lập tức.
Hai Mắt nghĩ bụng: “Làm nội trợ kiểu này thú vị thật.” Cô rất lấy làm hả hê và phấn chấn.
Tối khi cô đi chăn về nhà, thấy có âu thức ăn mà chị em để phần cho, nhưng cô không hề đụng đến. Sáng hôm sau, cô lại cho dê ra đồng, để nguyên mấy mẩu bánh phần cô ở bàn. Lần thứ nhất và lần thứ hai, chị và em không để ý, nhưng rồi cả hai cũng biết và nói với nhau:
– Con Hai Mắt đáng nghi lắm. Mọi khi phần nó cái gì nó ăn hết nhẵn. Tại sao bây giờ không hề thấy nó đụng đến thức ăn phần nó. Chắc nó ăn ở đâu đó rồi.
Để dò cho ra sự thật, Một Mắt được phái đi chăn dê cùng với Hai Mắt. Một Mắt phải cố dò la xem Hai Mắt làm gì để có cái ăn hay có người nào đó đưa thức ăn đồ uống cho Hai Mắt.
Sáng sớm, khi Hai Mắt chuẩn bị đi thì Một Mắt nói:
– Hôm nay tao đi chăn dê cùng với mày, để xem mày có trông nom dê và cho dê ăn ở nơi có cỏ ngon không.
Hai Mắt hiểu ngay ý định của Một Mắt nên cố lùa dê tới cánh đồng cỏ rậm và có cỏ lau cao vút. Hai Mắt nói:
– Chị Một Mắt ơi, chị lại đây, chị ngồi xuống đây, em muốn hát cho chị nghe.
Một Mắt ngồi xuống, người mệt nhoài vì đường xa và vì oi bức của trưa hè. Một Mắt ngồi nghe Hai Mắt hát:
Chị Một Mắt ơi, chị thức đấy à?
Chị Một Mắt ơi, chị đã ngủ chưa?
Nghe tiếng hát đều đều cộng với mệt nên Một Mắt cứ thế mà thiu thiu ngủ.
Thấy Một Mắt đã ngủ say, biết không thể nào lộ được, lúc ấy Hai Mắt mới nói:
Be lên dê ơi,
Bày lên bàn ơi.
Bàn hiện ra, Hai Mắt ngồi vào bàn ăn uống. No nê rồi cô nói:
Be lên dê ơi,
Biến đi bàn ơi.
Và chỉ trong nháy mắt tất cả lại biến đi.
Mọi việc xong xuôi, Hai Mắt mới đánh thức Một Mắt dậy:
– Chị Một Mắt, chị đi chăn dê mà lại lăn ra ngủ thế à. Chăn dê kiểu chị thì dê nó đi đâu cũng không biết. Dậy đi, mau lên chị, tối rồi, ta về nhà đi.
Hai chị em về nhà. Hai Mắt vẫn không hề đụng đến âu thức ăn. Tuy đi theo nhưng Một Mắt cũng không phát hiện được lý do tại sao Hai Mắt vẫn không ăn ở nhà. Nó đành thú thật, xin lỗi mẹ:
– Ra đồng con ngủ quên mất.
Hôm sau mẹ bảo Ba Mắt:
– Lần này, mày đi chăn cùng, phải để ý xem Hai Mắt có ăn gì ở ngoài đồng không hay có ai mang đồ ăn thức uống cho nó, chắc chắn là nó có ăn uống lén lút.
Ba Mắt bước lại nói với Hai Mắt:
– Em muốn đi chăn dê cùng với chị, để xem đàn dê có được ăn chỗ cỏ non không.
Hai Mắt đoán được ngay ý định của Ba Mắt nên xua đàn dê tới cánh đồng cỏ rậm cao vút và nói:
– Ba Mắt ơi, chị em ta ngồi xuống đây đi, chị sẽ hát cho em nghe.
Ba Mắt ngồi xuống. Vì đường xa, trời nắng nên nó mệt nhoài. Hai Mắt lại cất tiếng hát:
Ba Mắt ơi, em thức đấy à?
Đáng lẽ phải hát tiếp:
Ba Mắt ơi, em đã ngủ chưa?
Nhưng do đãng trí nên cô hát:
Hai Mắt ơi, em đã ngủ chưa?
Và rồi cứ thế mà hát:
Ba Mắt ơi, em thức đấy à?
Hai Mắt ơi, em đã ngủ chưa?
Hai mắt của Ba Mắt nhắm lại ngủ, nhưng mắt thứ ba ở trán không bị phép của câu thần chú nên không ngủ. Để đánh lừa nên Ba Mắt nhắm luôn cả mắt thứ ba, làm như ngủ nhưng thỉnh thoảng nó lại nháy mắt nên vẫn nhìn biết hết được sự việc.
Hai Mắt tưởng Ba Mắt đã ngủ say, liền niệm chú:
Be lên dê ơi,
Bày lên bàn ơi.
Cô ăn uống thỏa thích, xong cô lại nói:
Be lên dê ơi,
Biến đi bàn ơi.
Ba Mắt trông thấy hết. Hai Mắt đến đánh thức nó và bảo:
– Ui chà, Ba Mắt, em ngủ đấy à? Thế thì sao chăn được dê, thôi chị em ta về đi.
Về đến nhà, thấy Hai Mắt lại không ăn. Ba Mắt liền mách lại:
– Giờ thì con đã rõ tại sao chị ấy làm bộ không thèm ăn ở nhà. Ở ngoài đồng chị ấy nói:
Be lên dê ơi,
Bày lên bàn ơi.
Thì một chiếc bàn nhỏ hiện ra, trên bàn bày toàn thức ăn đồ uống tuyệt ngon mà ở nhà ta không bao giờ có. Ăn uống thỏa thích xong chị ấy lại nói:
Be lên dê ơi,
Biến đi bàn ơi.
Tức thì mọi thứ đều biến mất. Với mắt thứ ba con trông thấy rõ tất cả mồn một. Chị ấy niệm thần chú nên hai mắt con díu lại và ngủ ngay, nhưng mắt ở trán vẫn còn thức.
Nghe kể, người mẹ vốn đố kỵ liền la:
– Mày tưởng mày hơn mẹ con tao à? Phải cho mày chừa cái thói ấy đi mới được.
Mụ lấy dao mổ lợn, đâm trúng tim dê, dê khuỵu xuống chết.
Thấy vậy, Hai Mắt buồn lặng lẽ bỏ đi ra đồng, ngồi trên bờ ruộng khóc sướt mướt.
Bà mụ bỗng lại xuất hiện đứng bên cô và hỏi:
– Hai Mắt, sao con lại khóc?
Cô đáp:
– Con dê vẫn dọn bàn ăn mỗi khi con niệm thần chú, mẹ con đã đâm chết nó. Bà bảo con không khóc sao được. Giờ con lại rơi vào cảnh đói khát.
Bà mụ bảo:
– Hai Mắt, bà bày cho con kế này nhé: con hãy xin chị và em bộ lòng của con dê ấy, đem chôn ở trước cửa nhà. Chắc chắn con sẽ gặp may.
Rồi bà biến mất. Hai Mắt đi về nhà, nói với chị và em:
– Chị và em gái yêu dấu ơi, hãy cho xin chút gì đó ở con dê của tôi. Tôi chẳng dám đòi lấy những chỗ thịt ngon, tôi chỉ xin bộ lòng thôi.
Thế là cả hai chị em cười ồ lên và nói:
– Ồ, chỉ có thế thôi à, thế thì cứ việc vào mà lấy.
Hai Mắt lấy bộ lòng, theo lời dặn của bà mụ, đêm tối cô lặng lẽ đem chôn bộ lòng ở trước cửa nhà.
Sáng hôm sau, lúc cả nhà thức dậy và ra đứng ở cửa nhà thì thấy một cái cây kỳ lạ, cành lá xum xuê, quả vàng xen giữa những chiếc lá bạc, có lẽ ở trần gian này không có cây nào đẹp bằng, quả nom ngon như thế. Mọi người đều ngạc nhiên rằng chỉ có qua một đêm mà cây đã mọc nhanh như vậy. Chỉ có Hai Mắt là biết rõ nguyên do, đúng nơi chôn bộ lòng mọc lên cái cây lá bạc quả vàng này.
Bà mẹ bảo Một Mắt:
– Một Mắt của mẹ, con trèo lên hái quả đi.
Một Mắt trèo lên, nhưng khi giơ tay hái quả thì cành lại bật tuột khỏi tay. Mà lần nào cũng vậy, tìm đủ mọi cách nhưng Một Mắt vẫn không hái được quả nào.
Lúc đó bà mẹ nói:
– Ba Mắt, con hãy trèo lên, với ba mắt chắc là con nhìn quanh rõ hơn Một Mắt.
Một Mắt tuột xuống để cho Ba Mắt trèo lên. Nhưng Ba Mắt cũng chẳng khéo léo hơn chút nào, ngắm nghía mãi nhưng vẫn không sao với hái được lấy một quả. Chuyện đó làm cho bà mẹ sốt ruột, giờ đích thân bà trèo lên cây, nhưng bà cũng chẳng hơn gì Một Mắt và Ba Mắt, toàn giơ tay quờ quạng trong không trung.
Thấy vậy, Hai Mắt nói:
– Để con trèo thử lên xem, biết đâu con hái được thì sao.
Chị và em gái đồng thanh nói:
– Đồ Hai Mắt thì được trò trống gì mà làm.
Nhưng khi Hai Mắt trèo lên, táo vàng không trượt ra khỏi tay cô, mà còn đung đưa lại gần cho cô dễ hái, cô hái nhiều đến nỗi đầy một tạp dề táo vàng. Đáng lẽ mẹ, Một Mắt và Ba Mắt phải đối xử với Hai Mắt tốt hơn trước, bà mẹ giật phắt lấy tạp dề táo. Chuyện chỉ mình Hai Mắt hái được táo vàng chỉ làm tăng thêm lòng ghen ghét đố kỵ của họ, làm họ trở nên cay nghiệt hơn trước đối với Hai Mắt.
Một hôm cả nhà đang đứng bên cây thì có một hiệp sĩ trẻ tuổi đi tới.
Cô chị và cô em vội la:
– Hai Mắt, mau lên nào, xuống chui vào trong thùng để chúng tao đỡ ngượng vì mày.
Nói rồi hai người dúi ngay Hai Mắt vào trong chiếc thùng không bên gốc cây, tiện tay chúng nhét luôn tất cả táo vàng vào trong đó.
Hiệp sĩ tới gần – đó là một chàng đẹp trai – chàng dừng chân, lặng ngắm cây quả vàng lá bạc và hỏi hai cô gái đứng đó:
– Cây đẹp này của ai thế các cô? Ai ngắt cho ta một cành, người đó muốn gì ta cũng sẵn lòng báo đáp.
Một Mắt và Ba Mắt trả lời ngay là cây của chúng, chúng sẵn sàng ngắt cho chàng một cành quả vàng lá bạc. Hai chị em ra sức trèo và tìm cách ngắt lấy một cành, nhưng cành cây cứ trượt khỏi tầm tay họ.
Lúc đó hiệp sĩ nói:
– Kể cũng kỳ lạ thật, sao cây của các cô mà các cô không ngắt được một cành?
Hai cô gái vẫn cứ khăng khăng nói là cây của họ. Trong khi ấy, Hai Mắt bực mình về sự gian dối của chị và em, cô lăn mấy quả táo vàng tới chỗ hiệp sĩ đứng. Ngạc nhiên về những quả táo vàng, hiệp sĩ hỏi họ táo ở đâu ra thế. Lúc bấy giờ Một Mắt và Ba Mắt mới nói cho biết rằng chúng còn có một người em, nhưng vì nó chỉ có hai mắt như những người bình thường khác nên không dám để nó ra mắt hiệp sĩ. Hiệp sĩ đòi xem mặt và gọi:
– Cô Hai Mắt ơi, bước ra đây nào.
Hai Mắt từ từ chui ở đáy thùng ra. Sắc đẹp lộng lẫy của cô làm cho hiệp sĩ phải ngạc nhiên và nói:
– Cô Hai Mắt ơi, chắc cô có thể bẻ cho tôi một cành quả vàng lá bạc chứ?
Hai Mắt đáp:
– Thưa vâng, cây này là của em nên em hái được.
Hai Mắt trèo lên cây, nhẹ nhàng bẻ một cành lá bạc quả vàng thật đẹp đưa cho hiệp sĩ.
Hiệp sĩ nói:
– Cô Hai Mắt ơi, tôi biết lấy gì trả công cô bây giờ?
Hai Mắt đáp:
– Em biết nói thế nào đây. Đói khát cơ cực buồn tủi là bạn đồng hành của em từ sớm tinh mơ đến tận khuya, nếu chàng cho em đi theo chàng chính là chàng giải thoát cho em khỏi cảnh ấy, như vậy là em hạnh phúc nhất.
Hiệp sĩ liền đỡ Hai Mắt lên ngựa, cùng nàng cưỡi ngựa về lâu đài. Chàng hiệp sĩ rất thương yêu cô Hai Mắt, chàng để cho cô tùy ý lựa chọn quần áo, ăn uống theo ý thích, lễ cưới của hai người được tổ chức rất vui vẻ.
Thấy Hai Mắt được đi cùng với chàng hiệp sĩ đẹp trai, chị và em lồng lộn lên vì ghen tức.
Hai cô tự an ủi: “Cây thần còn nằm trong tay ta, cho dù ta không hái nổi một quả ở cây ấy, nhưng ai đi qua thấy cây lạ cũng phải dừng chân đứng ngắm cây. Ai mà biết trước được ngày nào chúng ta sẽ gặp may.”
Nhưng sáng hôm sau, cây thần kia bỗng biến mất, hy vọng của hai cô thế là tiêu tan. Cũng vào sáng sớm, khi cô Hai Mắt đang đánh phấn tô son, chợt cô nhìn qua cửa sổ, cô hết sức mừng rỡ khi thấy cây thần lại đứng trước cửa.
Hai Mắt sống trong cảnh đầy đủ sung sướng đã nhiều năm. Một hôm có hai người đàn bà nghèo bước tới lâu đài chắp tay xin bố thí. Nhìn kỹ mãi hai người, Hai Mắt nhận ra đó chính là chị và em mình. Cảnh nhà sa sút, hết chỗ nương tựa nên giờ đây Một Mắt và Ba Mắt phải kéo nhau đi ăn xin.
Hai Mắt niềm nở đón tiếp chị và em, chăm sóc và cung phụng họ đầy đủ, khiến hai người thấy hối hận trong lòng vì đã đối xử độc ác với Hai Mắt trong thời tuổi trẻ.