Câu chuyện này xảy ra dưới triều đình nhà Thanh, tại một huyện lị có tên là Trung Mâu. Ngày hôm đó, quan huyện đang thăng đường làm việc, đột nhiên một con chó từ bên ngoài xông thẳng vào nằm phục dưới đất và cất tiếng sủa váng lên, như đang muốn tố giác một điều oan khuất nào đó. Con chó chui hắn xuống gầm bàn của quan huyện, mặc cho mọi người đâm chọc, lùa gạt thế nào cũng không chịu ra, chỉ cất lên tiếng tru tréo nghe như tiếng khóc thảm thiết.
Quan huyện cảm thấy trong sự việc này có cái gì hơi kì quái liền ngăn bọn công sai lại và cúi xuống gầm bàn nói với con chó, cứ như là nó hiểu tiếng người vậy :
– Mày có việc gì oan ức phải không? Có phải mày đến đây kêu kiện không? Vậy thì mày hãy ra đây để tao xem mày kiện về việc gì nào.
Kể cũng lạ, nghe câu đó, con chó từ trong gầm bàn chui ra, vẫn nằm phục trên sàn nhà và tiếp tục sủa.
Quan huyện nhíu đôi lông mày lẩm bẩm:
– Việc này biết làm sao đây? Mày lại không biết nói !
Con chó hình như nghe được tiếng người, liền đứng dậy cắn vào chiếc áo dài của quan huyện và lôi ra ngoài. Quan huyện liền nói với nó :
– Được rồi! Được rồi! Tao sẽ phái công sai cùng đi với mày.
Con chó lập tức nhả chiếc áo quan huyện ra, quay đầu đi thẳng ra ngoài. Ra đến cửa huyện, nó lại quay đầu vào sủa ăng ắng, hình như muốn thúc giục công sai không nên chậm trễ. Các công sai không còn cách nào, đành vâng lệnh quan huyện đi theo con chó, nhưng trong lòng họ nửa tin nửa ngờ.
Ra khỏi huyện đường, con chó đi đến tận bên bờ một con sông, nhìn vào trong đám lau sậy rồi sủa váng lên. Đám công sai vạch bụi lau ra thì thấy một xác chết. Họ trở về bẩm báo với quan huyện. Mọi người đều tấm tắc khen là con chó quá thông minh, đã làm một việc kì lạ, biết đến công đường để báo một vụ án giết người! Bây giờ chỉ còn có việc truy tìm hung thủ là ai. Đang lúc mọi người bàn luận thì con chó lại từ ngoài chạy vào, nằm phục xuống sàn sủa gâu gâu. Lúc này, quan huyện chẳng còn do dự nữa liền bảo ngay:
– Nếu ngươi biết được hung thủ, ta sẽ cử công sai đi cùng với ngươi!
Con chó nghe vậy liền quay đầu chạy ra ngoài, quan huyện chưa kịp dặn dò gì thì mấy công sai đi theo nó lúc nãy đã phải vội chạy đuổi theo nó ngay, cả huyện đường đều ngạc nhiên.
Đi được khoảng hơn hai mươi lăm dặm đường, chỉ thấy trước mặt có một ngôi nhà. Con chó liền xông vào nhà, ngoạm ngay vào một gã con trai và giữ chặt. Các công sai thấy vậy liền áp giải gã trai nọ về nha môn. Quan huyện lập tức thăng đường xét hỏi. Gã trai trẻ nọ chẳng phải là loại ngoan cố, vừa hỏi hai ba câu đã khai hết sự thật.
Con chó này nguyên là con chó anh ta mua trên phố về chuẩn bị giết thịt. Bởi vì con chó không chịu đi cho nên anh ta trói nó lại, buộc chặt mồm nó, rồi treo lên đầu gậy quẩy ngược về nhà. Trên đường đi, anh ta gặp một người khách buôn cưỡi lừa đang đứng nghỉ bên vệ đường, anh ta bèn dừng chân lại để nghỉ và lân la trò chuyện với nhà buôn. Con chó nhìn người khách buôn, cất tiếng rên ư ử, người khách buôn thây thương hại bèn hỏi rõ chuyện và lấy ra một lạng bạc mua lại con chó. Người khách buôn mở trói cho nó, cho nó ăn mấy miếng thịt và vài chiếc bánh bao rồi xua tay bảo nó hãy đi đi, còn mình tiếp tục cưỡi lừa đi tiếp.
Gã trai trẻ nhìn thấy hành lí của nhà buôn nặng trịch bèn nảy lòng tham, len lén bám theo sau ông ta rất xa, đến đoạn đường nọ liền xông tới vung gậy đập tới tấp cho đến lúc nhà buôn gục chết. Nào ngờ con chó đi theo phía sau, nhìn thây cảnh tượng đó, liền xô tới cắn anh ta. Anh ta nóng mắt liền vung gậy đập, con chó không làm gì được nên chạy ra xa. Gã trai lôi xác người khách buôn đến bờ sông, lấp cát lên rồi dắt con lừa mang cả hành trang của nhà buôn về nhà mình. Ngày hôm sau, gã dắt lừa lên phố bán, nhưng gã nào biết được mọi việc làm của gã đều bị con chó lặng lẽ theo dõi và chính vì thế mà nó biết được nhà ở của gã.
Quan huyện ra lệnh cho công sai đến xét nhà gã để tìm tang vật, quả nhiên tìm thấy 500 lạng bạc. Trong hành trang của nhà buôn nọ còn có một cuốn sổ ghi chép, từ đó đã tìm được địa chỉ và tên họ của người bị hại.
Gia đình người bị hại nhận được tin tức, hết sức cảm động. Họ đưa linh cữu của người khách buôn về quê mai táng và nuôi con chó có nghĩa cho đến khi nó già và chết. Sau khi chôn cất nó xong, họ xây phần mộ cho nó và dựng bia ghi lại câu chuyện này.