Xưa kia có một ông vua đã cao tuổi, nằm trên giường bệnh ông nghĩ: “Lần ốm này chắc ta sẽ nằm đây mà đi luôn” nên ra lệnh:
– Gọi Johannes trung thành tới đây cho ta.
Johannes suốt đời trung thành, tận tụy với nhà vua, được nhà vua yêu quý, cũng vì vậy mà có cái tên Iôhanét trung thành.
Khi Johannes tới bên giường bệnh, nhà vua truyền đạt di mệnh:
-Johannes trung thành nhất đời của ta. Ta sắp gần đất xa trời. Ta chẳng còn băn khoăn lo lắng gì khác ngoài hoàng tử đương tuổi thơ non nớt, chưa biết suy nghĩ chín chắn. Nếu ngươi không hứa trước mặt ta là sẽ dạy dỗ hoàng tử khôn lớn thành người, khuyên bảo chăm sóc hoàng tử như cha thứ hai thì ta không thể yên tâm mà nhắm mắt.
Johannes trung thành thưa:
– Thần xin một lòng một dạ gắng sức phụng sự hoàng tử, dù phải hy sinh đến tính mạng chăng nữa, thần cũng không rời bỏ hoàng tử.
Nhà vua nói:
– Nếu vậy ta có thể yên tâm mà về nơi chín suối.
Rồi nhà vua căn dặn tiếp:
– Sau khi ta qua đời, ngươi hãy dẫn hoàng tử đi xem toàn thể cung điện, tất cả các buồng, các phòng, các hầm cùng tất cả châu báu ở trong đó. Duy chỉ có cái buồng cuối cùng ở hành lang dài là ngươi không được chỉ cho hoàng tử. Trong buồng cất bức chân dung công chúa Mai Vàng, chỉ cần thoáng nhìn thấy dung nhan công chúa là hoàng tử đâm ra si tình mà ngã ngất lịm đi, từ đó sẽ sinh ra những tai ương nguy hiểm. Ngươi hãy đề phòng chuyện ấy nhé.
Sau khi nghe Johannes trung thành giơ tay thề lần nữa, nhà vua nín lặng, từ từ đặt đầu xuống gối và băng hà.
Lo xong tang lễ, ít lâu sau, Johannes trung thành mới kể cho nhà vua trẻ biết những điều bác ta hứa với vua cha trước lúc lâm chung, bác nói:
– Thần sẽ giữ lời hứa theo đúng lương tâm, sẽ trung thành, tận tụy với nhà vua trẻ như với vua cha khi xưa, dù phải hy sinh tính mạng cũng làm.
Sau khi đã hết hạn để tang vua cha, Johannes tâu với vua:
– Bây giờ là lúc nhà vua cần biết những gì mình được thừa kế. Thần xin dẫn nhà vua đi coi toàn bộ cung điện vua cha để lại.
Bác dẫn vua đi xem khắp nơi trong hoàng cung, hết đi lên lại đi xuống để xem tất cả các kho tàng châu báu, riêng chỉ có căn buồng cất bức chân dung đầy quyến rũ kia là bác không mở. Bức chân dung để đối diện cửa ra vào, nên chỉ cần hé cửa cũng thấy ngay, bức ảnh sinh động lộng lẫy tới mức người ta tưởng không còn ai trên trần gian này có thể đẹp hơn. Vua thấy Iôhanét đi qua mà không mở cửa buồng đó, liền hỏi:
– Sao ngươi không mở cửa buồng này?
Johannes thưa:
– Dạ, thưa trong đó có cái đáng ngại lắm.
Nhưng nhà vua nói:
– Ta muốn xem tất cả trong hoàng cung, ta cũng muốn biết cái gì ở trong buồng này.
Nhà vua bước tới và định đẩy cửa ra, Johannes trung thành vội níu lại và nói:
– Thần đã có hứa trước vua cha là sẽ không mở cửa buồng này. Nếu nhà vua thấy biết điều đó thì đó là điều bất hạnh lớn nhất đối với bệ hạ cũng như đối với thần.
Nhà vua trẻ đáp:
– Sao lại không nhỉ? Ta sẽ héo hon mòn mỏi vì không được tận mặt trông thấy những gì trong đó. Ta không rời khỏi nơi đây, nếu ngươi không mở cửa.
Biết không thể ngăn cản được, Johannes trung thành thở dài, buồn bã, tìm chiếc chìa khóa buồng trong chùm chìa khóa. Mở cửa buồng, bác vào trước, đứng che lấp bức chân dung, nhưng vua kiễng chân nhìn qua vai bác. Nhìn thấy bức chân dung người thiếu nữ đẹp lộng lẫy đeo toàn vàng ngọc, nhà vua bất tỉnh nhân sự. Johannes trung thành nâng nhấc đưa nhà vua lên giường, lòng bác xốn xang lo lắng.
– Trời ơi! Điều bất hạnh đã đến, biết làm sao bây giờ?
Bác lấy rượu xoa bóp, vừa mới tỉnh lại nhà vua đã hỏi:
– Trời, người đẹp trong tranh tên là gì?
Johannes trung thành đáp:
– Dạ, thưa đó là công chúa Mai Vàng.
Nhà vua liền nói tiếp:
– Ta yêu nàng say đắm đến nỗi, nếu tất cả lá cây trong rừng đều biến thành lưỡi cũng không thể nói hết mối tình của ta. Được sống bên nàng đó là lý tưởng đời ta, Johannes trung thành hãy giúp ta trong việc này.
Johannes trung thành suy nghĩ, mãi sau bác mới nảy ra một ý và nói:
– Chung quanh nàng cái gì cũng bằng vàng, từ bàn ghế tới chén ly cùng những đồ gia dụng khác. Trong kho hoàng cung có tất cả năm tấn vàng. Bệ hạ lấy một tấn vàng giao cho thợ kim hoàn làm đủ mọi thứ ly, đồ trang trí trong nhà, một số chim, thú lạ trong rừng. Làm xong, ta đem những thứ ấy cho nàng xem, chắc chắn nàng sẽ vui. Bệ hạ cứ thử thế xem sao.
Vua truyền cho sứ giả đi mời thợ kim hoàn khắp nơi trong nước về hoàng cung làm. Khi những đồ vật đẹp bằng vàng làm xong, nhà vua cho xếp xuống thuyền, Johannes mặc giả lái buôn, nhà vua cũng vậy. Vua tôi vượt bể tới thành phố công chúa Mai Vàng đang sống.
Johannes trung thành lên bờ và nói nhà vua lên thuyền chờ:
– Biết đâu công chúa lại cùng thần về thuyền. Bệ hạ cho trang trí, bày mọi thứ sao cho thật lộng lẫy.
Bác đem theo mình rất nhiều trang sức đẹp và cứ thẳng hướng hoàng cung mà đi.
Khi ở trong sân hoàng cung, Johannes thấy có một cô gái đẹp đứng bên giếng lấy nước đổ vào hai chiếc thùng bằng vàng. Đang gánh, thấy khách lạ, cô ta hỏi bác là ai.
Bác ta trả lời:
– Thưa, tôi là lái buôn.
Rồi bác giở đồ trang sức cho cô xem. Cô reo lên:
– Trời, toàn đồ trang sức bằng vàng.
Cô đặt thùng nước xuống và ngắm nghía hết thứ này đến thứ khác. Đoạn cô ta nói:
– Công chúa rất thích đồ trang sức bằng vàng. Trông thấy những thứ này chắc chắn công chúa sẽ mua ngay tất cả.
Cô gái gánh nước chính là nữ tỳ của công chúa. Cô dẫn bác tới gặp công chúa. Công chúa rất lấy làm hài lòng về những đồ nữ trang của Johannes và nói:
– Hàng đẹp quá, ta mua tất cả chỗ này.
Johannes thưa:
– Tôi chỉ là kẻ hầu của một phú thương. Những đồ tôi mang theo đây không thể so sánh được với những đồ trang sức chủ tôi để ở trên thuyền, toàn đồ vàng ròng, châu ngọc thôi.
Công chúa bảo cứ đem hết đến cho mình xem chọn. Johannes đáp:
– Hàng đầy một thuyền, có mang thì cũng phải mất nhiều ngày lắm, có lẽ trong hoàng cung không đủ buồng để trưng những thứ đó.
Lời nói đó càng làm cho công chúa thêm tò mò, ao ước, nàng nói:
– Thế thì dẫn ta tới đó coi hàng vậy.
Johannes vui mừng dẫn công chúa về thuyền xem hàng. Thấy công chúa còn đẹp lộng lẫy hơn cả người trong tranh nên lòng vua vui sướng ngây ngất như muốn vỡ tim. Công chúa bước xuống thuyền, vua ra đón nàng vào khoang thuyền. Trong lúc đó Johannes trung thành xuống phía lái và ra lệnh cho nhổ neo:
– Căng buồm lên để thuyền lướt nhanh như chim bay.
Ở trong khoang thuyền nhà vua đưa cho công chúa xem những bộ bát, đĩa, rồi cốc, chén cùng những chim, thú rồi cả những con vật mà công chúa chưa nhìn thấy bao giờ. Tất cả đều bằng vàng ròng.
Mải mê xem nên công chúa không biết rằng thuyền đã nhổ neo được mấy tiếng rồi.
Xem đến đồ trang sức cuối cùng thì công chúa tỏ lời cảm ơn và muốn ra về. Ra tới mạn thuyền, công chúa mới biết là thuyền đương dong buồm nơi biển khơi, sợ hãi nàng kêu:
– Trời, ta bị đánh lừa, rơi vào tay một tên thương gia thì thà chết còn hơn.
Vua cầm tay nàng và nói:
– Ta chẳng phải là lái buôn, ta chính là dòng dõi quyền quý, là vua đang trị vì một nước, vì quá say đắm yêu người trong tranh nên quyết đi tìm và bày mưu bắt cóc.
Nghe vua nói, công chúa thấy cũng môn đăng hộ đối, giờ đây nàng thấy cảm kích và tỏ ra ý ưng thuận.
Một hôm, trong lúc thuyền đang lênh đênh nơi biển khơi, Johannes đang huýt sáo thì nghe có tiếng chim, ngẩng lên thấy có ba con quạ đang bay, chúng nói với nhau. Một con nói:
– Chà, vua đã bắt cóc được công chúa Mai Vàng.
Con thứ hai nói tiếp:
– Chắc gì đã chiếm được lòng nàng.
Con thứ ba chêm vào:
– Sao lại không nhỉ, hai người đang ngồi kề bên nhau kia kìa.
Con thứ nhất lại nói:
– Đã chắc à, lên tới bờ, nhà vua sẽ nhảy lên cưỡi một con ngựa màu hung, nó liền bay đem theo nhà vua lên chín tầng mây. Vậy thì vua sẽ không bao giờ gặp lại được nàng.
Con thứ hai hỏi:
– Thế không có cách nào cứu được à?
– Chà, có chứ. Nếu ngay lúc đó có một người khác cũng nhảy lên ngựa, liền rút súng ra bắn chết nó thì cứu được vua. Nhưng ai mà biết được điều đó. Ai biết mà nói ra thì người ấy sẽ bị hóa đá ngay lập tức.
Con thứ hai chêm vào:
– Mà dù ngựa có bị giết thì chắc gì lấy được công chúa. Vì khi hai người về tới hoàng cung thì thấy một chiếc áo cưới để trong một chiếc bình vàng, chiếc áo óng ánh tưởng như dệt bằng sợi vàng nhưng kỳ thực bằng diêm sinh và nhựa thông. Mặc áo vào người vua sẽ bị thiêu thành tro.
Con thứ ba hỏi:
– Thế không có cách nào cứu được à?
Con quạ thứ hai đáp:
– Chà, có chứ. Nếu có ai đeo bao tay, cầm ném chiếc áo ấy vào lửa cho nó cháy trụi thì vua thoát nạn. Nhưng ai mà biết được điều đó. Ai biết mà nói ra thì người ấy sẽ bị hóa đá từ đầu gối tới tim.
Con quạ thứ ba lại nói:
– Mà dù chiếc áo kia có cháy thành tro đi chăng nữa thì vua vẫn chưa được sống chung cùng nàng. Vì sau lễ cưới, trong lúc khiêu vũ công chúa bỗng nhiên tái mặt đi, té bất tỉnh ngay tại chỗ. Nàng sẽ chết luôn, nếu không có người tới nâng nàng dậy, mút ở ngực bên phải nàng ba giọt máu rồi nhổ ngay đi. Nhưng ai mà biết được điều đó. Ai biết mà nói ra thì toàn thân người ấy – từ đầu tới các ngón chân – đều bị hóa đá.
Nghe quạ nói với nhau, Johannes hiểu hết, bác đâm ra hay suy tư, không buồn nói năng gì cả: không nói cho vua biết thì vua đau khổ, nói cho vua biết thì mình thiệt mạng. Nhưng rồi bác tự nhủ:
– Ta phải cứu vua cho dù có bị thua thiệt đi chăng nữa cũng được.
Thuyền cập bến, sự việc xảy ra đúng như lời quạ nói chuyện với nhau. Thấy con ngựa hung đẹp bước tới, vua nói:
– Tuyệt, để ta cưỡi nó về hoàng cung.
Vua chưa kịp lên ngựa thì Johannes đã nhảy lên lưng ngựa, rút súng bắn chết con ngựa. Vốn ganh ghét với Iôhanét, những tên hầu khác nhao nhao lên:
– Hỗn xược chưa, ngựa đem đến để đón vua về hoàng cung mà dám bắn chết.
Nhưng vua quát:
– Các ngươi im ngay. Việc Johannes trung thành làm chắc chắn là có lý do của nó.
Cả đoàn về tới hoàng cung, nhìn thấy chiếc áo cưới nom như dệt bằng sợi vàng, sợi bạc, nhà vua định lấy ướm thử, Johannes liền níu lại, lấy áo ném vào lửa cho cháy thành tro. Những tên hầu khác lại nhao nhao lên:
– Thấy không, áo cưới của vua mà nó còn dám ném vào lửa.
Nhưng vua lại quát:
– Các ngươi im ngay. Việc Johaanes trung thành làm chắc chắn là có lý do của nó.
Hôn lễ được cử hành. Tiếng nhạc khiêu vũ vang lên, công chúa bước vào phòng. Iôhanét nhìn trừng trừng vào sát mặt nàng, bỗng nhiên mặt nàng tái đi và nàng té nằm bất tỉnh nhân sự. Iôhanét trung thành vội nâng nàng dậy, đưa về buồng và đặt lên giường. Rồi bác quỳ xuống, mút ở ngực bên phải nàng ba giọt máu và nhổ đi. Công chúa từ từ tỉnh lại. Nhà vua cũng có mặt ở đó, không hiểu tại sao Johannes lại làm như vậy. Nổi giận thiên đình, nhà vua phán:
– Giam ngay nó vào ngục tối.
Ngay sáng hôm sau Johannes bị kết án tử hình, đứng bên giá treo cổ Iôhanét nói:
– Trước khi bị hành hình, tử tù nào cũng được phép nói lần cuối, vậy thần có được phép không?
Nhà vua nói:
– Được, ngươi được phép nói lần cuối.
Johannes trung thành nói:
– Thần bị xử oan, thần luôn luôn trung thành tận tụy với nhà vua.
Rồi bác kể cho vua biết những gì ba con quạ nói với nhau ở ngoài biển, và bác nói rõ lý do tại sao bác làm những chuyện như vậy, tất cả chỉ vì để cứu nhà vua.
Lúc đó nhà vua kêu lên:
– Trời, tội nghiệp cho Johannes trung thành của ta, dẫn ngay ra khỏi giá treo cổ, dẫn ngay.
Vừa nói dứt lời thì Iôhanét cũng ngã phịch xuống như đá rơi.
Trước cảnh tượng ấy, vua và hoàng hậu rất buồn. Vua phán:
– Trời, một người tận tụy như thế mà ta đã trót xử oan.
Vua sai khiêng Johannes hóa đá thành tượng để ngay bên giường mình. Mỗi lần trông thấy tượng, vua lại khóc và nói:
– Trời, Johannes trung thành, ước gì ta làm cho ngươi sống lại được.
Sau đó một thời gian, hoàng hậu sinh đôi, hai con trai. Đó chính là niềm vui của hoàng hậu. Một hôm, hoàng hậu đi lễ nhà thờ, hai đứa con ở nhà, lòng buồn rầu nhà vua đứng ngắm pho tượng và thở dài:
– Trời, Johannes trung thành ơi, ước gì ta có thể làm ngươi sống lại được.
Bức tượng đá đáp:
– Bệ hạ có thể làm thần sống lại, nếu như bệ hạ sẵn lòng hy sinh cái gì bệ hạ quý nhất.
Lúc đó nhà vua nói:
– Những gì trẫm có trên trần gian này, trẫm sẵn lòng vì ngươi mà hy sinh.
Tượng đá nói tiếp:
– Nếu tự tay bệ hạ chặt đầu hai hoàng tử, lấy máu vấy lên tượng đá thì thần sẽ sống lại.
Nghe việc tự mình giết con thì vua rùng mình, nhưng nhớ tới Johannes vì lòng trung thành mà chết, nhà vua liền rút gươm, chặt đầu hai đứa con, lấy máu vấy lên tượng. Johannes sống lại, dáng khỏe mạnh, tỉnh táo. Bác tâu với vua:
– Bệ hạ ăn ở có thủy, có chung, tình ấy sẽ được đền đáp.
Rồi bác lắp đầu vào thân, bôi máu quanh vết chém, chỉ trong nháy mắt hai đứa trẻ sống lại, chơi đùa chạy nhảy như trước, cứ như không hề có chuyện gì xảy ra trước đó.
Vua hết sức vui mừng. Khi thấy hoàng hậu đang về, vua giấu bác Johannes và hai con vào trong một chiếc tủ lớn. Khi hoàng hậu bước vào phòng, nhà vua hỏi:
– Phải chăng hoàng hậu vừa đi lễ nhà thờ?
Hoàng hậu đáp:
– Thiếp lúc nào cũng nghĩ tới Johannes trung thành, một người vì chúng ta mà bị nạn.
Lúc đó nhà vua nói:
– Thiếp yêu mến của ta, chúng ta có thể làm cho bác ta sống lại, nhưng chúng ta phải hy sinh hai hoàng tử.
Nghe nói mà hoàng hậu tái xanh mặt, lòng xốn xang, nhưng bà nói:
– Chính chúng ta là người có lỗi trong chuyện này.
Vua hết sức vui mừng khi thấy hoàng hậu cũng nghĩ như mình, vua bước tới mở cửa tủ để cho Johannes trung thành và hai con bước ra. Vua nói:
– Nhờ trời Johannes đã được giải thoát và con chúng ta vẫn ở bên chúng ta.
Vua kể cho hoàng hậu nghe hết đầu đuôi câu chuyện. Từ đó trở đi, vua, hoàng hậu, hai hoàng tử và Johannes trung thành cùng vui sống trong diễm phúc lớn tới trọn đời.